Cách chào của người Nhật Bản như thế nào?

Một trong những văn hóa người Nhật Bản coi trọng là nghi thức chào hỏi. Đây cũng là điều cần học hỏi và chú ý với những ai muốn sinh sống, học tập hay làm việc tại đất nước mặt trời mọc này. Nếu bạn cũng đang tò mò về cách chào hỏi của người Nhật thì cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé.

Chào hỏi đối với người Nhật Bản

Khi nghe nói đến cảnh chào hỏi nhau, chắc hẳn ai trong chúng ta đều hình dung đến thời điểm gặp gỡ hay lúc tạm biệt. Điều này không chỉ xảy ra ở mỗi Nhật Bản mà hầu như tất cả những nơi trên thế giới đều như thế. Tuy nhiên, so với các quốc gia khác, cách chào hỏi của người Nhật mang nhiều ý nghĩa và có xu hướng lịch sự hơn. Người Nhật coi trọng lòng biết ơn và sự kính trọng. Trong khi nhiều nước thể hiện sự quý mến, tôn trọng nhau trong màn chào hỏi bằng cái bắt tay thì người Nhật chọn cúi đầu chào.

Người Nhật Bản coi trọng nghi thức cúi chào thể hiện qua việc trẻ em ở đất nước này được học từ rất sớm. Có nhiều cách cúi chào khác nhau ở Nhật Bản. Họ sẽ không quá khắt khe nếu bạn là một người ngoại quốc, tuy nhiên họ sẽ cảm thấy rất vui và hài lòng khi được bạn cúi chào.

Cách cúi chào của người Nhật Bản

Trong văn hóa của người Nhật Bản, một lời chào hỏi lịch sự rất quan trọng. Khi bạn gặp ai đó, bạn nên cúi đầu khi chào họ, nếu không bạn có thể bị đánh giá là một người thô lỗ. Tuy nhiên, đối với người nước ngoài, khách du lịch, hành động nghiêng đầu và cố gắng cúi chào được người bản địa đánh giá cao. Bên cạnh đó, xưng hô đúng cách với ai đó là một phần quan trọng trong văn hóa ở đất nước mặt trời mọc. Bạn nên thêm các hậu tố “san” hay “sama” vào sau tên để thể hiện sự tôn trọng với người đối diện, tùy theo chức vụ của họ và hoàn cảnh phù hợp.

Có thể nói văn hóa chào hỏi có phần ăn sâu vào nếp sống của người lao động Nhật Bản. Chính vì thế khi làm việc cùng người Nhật, bạn nên chú ý đến cử chỉ khi giao tiếp với họ. Một kiểu cúi chào sai có thể khiến người khác bối rối và thậm chí là xúc phạm họ.

Sau đây là 3 kiểu cúi chào được sử dụng trong kinh doanh của người Nhật mà bạn nên biết:

Kiểu chào Eshaku (会釈)

Eshaku là một kiểu chào thông thường và đơn giản. Với kiểu chào này, bạn sẽ nghiêng người về phía trước 15 độ, đồng thời kết hợp với từ ngữ chào hỏi. Eshaku được sử dụng để chào hỏi đồng nghiệp, những người có cùng địa vị hay với gia đình và bạn bè. Mọi người thường thực hiện Eshaku nhanh gọn nhưng không vội vàng.

Kiểu chào Senrei (浅礼)

Senrei cũng là một kiểu chào thông thường nhưng ở tư thế ngồi. Khi đó, bạn ngồi theo kiểu Seiza (kiểu ngồi quỳ gối, lưng thẳng và mông đặt trên gót chân), tiếp theo nghiêng mình về phía trước 30 độ và giữ trong vài giây. Senrei được sử dụng để thể hiện sự tôn trọng với đối phương trong tình huống thông thường hoặc có chút trang trọng.

Kiểu chào Keirei (敬礼)

Keirei là cách cúi chào mà người Nhật Bản dùng để thể hiện sự tôn trọng với đối phương. Với kiểu chào Keirei, bạn nghiêng mình về phía trước từ 30 đến 45 độ. Keirei được thực hiện khi người đối diện là sếp của bạn, người có địa vị, quyền lực cao hay trong buổi gặp mặt lần đầu tiên và bạn muốn thể hiện lòng hiếu khách, sự nhiệt tình của mình. Để thể hiện sự chân thành một cách rõ ràng hơn, hãy giữ vị trí nghiêng mình trong vài giây kết hợp với câu chào hỏi.

Kiểu chào Saikeirei (最敬礼)

Kiểu chào Saikeirei thể hiện bằng cách người chào sẽ nghiêng thấp người về phía trước ở góc 45 cho đến 90 độ và giữ tư thế từ 3 đến 4 giây. Nó có nghĩa là sự hối tiếc, lời xin lỗi hoặc lòng chân thành, thờ phượng đối với đối phương (dùng trong các nghi lễ tôn giáo). Do mang ý nghĩa sâu sắc như thế nên Saikeirei không thể tùy tiện thực hiện trong bất kỳ hoàn cảnh nào hoặc với bất kỳ ai. Nếu không bạn có thể khiến một số người cảm thấy bị xúc phạm vì có vẻ như bạn đang chế giễu văn hóa Nhật Bản. Kiểu chào này thường được sử dụng với khách hàng quan trọng hoặc với những người mà bạn cực kỳ tôn trọng.

Một số lưu ý khi trong văn hóa cúi chào của người Nhật Bản

Như đã đề cập, văn hóa chào hỏi ở mỗi quốc gia đều có sự khác biệt. Sau đây là một số lưu ý bạn nên biết để tránh những hiểu lầm không đáng có khi giao tiếp với người Nhật nhé.

Không bắt tay và cúi chào cùng lúc

Theo truyền thống, người Nhật cúi đầu khi chào hỏi, tuy nhiên họ vẫn sẽ bắt tay với đối tác là người ngoại quốc khi đã nhiều lần gặp gỡ, hợp tác. Chính vì thế, đôi khi sẽ có sự nhầm lẫn khi cả hai bên cùng tìm hiểu và thực hiện văn hóa của nhau. Để trở nên tinh tế hơn, bạn nên biết đọc ngôn ngữ cơ thể. Tất nhiên là bạn có thể cúi chào và bắt tay nhưng đừng thực hiện cả hai đồng thời.

Nhìn xuống khi nghiêng mình chào hỏi

Có một luật quan trọng bạn nên biết đó là không được nhìn vào người đối diện khi bạn chào họ. Ở Nhật Bản, giao tiếp bằng mắt khi cúi chào bị xem là thiếu tôn trọng và mất lịch sự. Điều cần làm và giữ ánh nhìn của bạn di chuyển theo độ nghiêng của cơ thể một cách tự nhiên.

Cúi lâu và thấp hơn với người có địa vị cao hoặc lớn tuổi hơn

Cách cúi chào có sự liên hệ trực tiếp đến sự phân cấp bậc xã hội ở Nhật Bản. Khi bạn cúi chào lâu hơn, thấp hơn với người đối diện nghĩa là bạn đang thể hiện sự khiêm tốn và kính trọng đối với họ.

Hy vọng bài viết trên giúp bạn hiểu hơn về cách chào của người Nhật Bản, một nét văn hóa được xem trọng ở đất nước mặt trời mọc.

Bài viết được đề xuất