Bài viết sau đây dành cho các bạn trẻ chuẩn bị hành trang đi du học ở Nhật Bản để có một khởi đầu tốt đẹp cho hành trình sinh sống và làm việc tại đất nước xinh đẹp này.
Chọn chương trình học tốt nhất
Mục tiêu chính của bạn là học tập tại Nhật Bản, chính vì thế lựa chọn kỹ lưỡng chương trình phù hợp với mong muốn, trình độ của bản thân là điều đầu tiên bạn phải chú ý. Bạn sẽ đi du học theo chương trình có sẵn của nhà trường tại Việt Nam hay bạn sẽ tự thiết kế lộ trình riêng cho mình?
Ở một số trường Đại học/ Cao đẳng có các chương trình hỗ trợ sinh viên du học hoặc chương trình trao đổi sinh viên. Để đi du học theo dạng này, các bạn sinh viên cần đạt đủ tiêu chuẩn của nhà trường hoặc dành học bổng. Tuy nhiên, nếu bạn không muốn sự giúp đỡ của nhà trường thì hoàn toàn có thể tìm các tổ chức uy tín. Cách này có thể tốn kém chi phí hơn nhưng bạn có nhiều lựa chọn hơn cho các chương trình học tại Nhật Bản.
Tìm kiếm nguồn hỗ trợ tài chính
Nếu bạn không dành được học bổng của trường tại Việt Nam. Đừng quá lo lắng bởi hiện nay có nhiều nguồn khác hỗ trợ du học sinh Nhật Bản, chẳng hạn như Japan Study Support, họ có danh sách học bổng dành cho sinh viên muốn học tập tại Nhật.
Bên cạnh đó, đừng ngại liên hệ với trường học bạn mong muốn để hỏi về cách đạt được học bổng. Hãy gửi câu hỏi, lời yêu cầu một cách lịch sự đến văn phòng hỗ trợ sinh viên ở các trường học để nhận được thông tin chính xác nhất.
Tìm hiểu về quy định và pháp luật của Nhật Bản dành cho du học sinh
Cũng giống như mọi quốc gia khác, Nhật Bản cũng có những điều luật và quy tắc riêng mà các du học sinh cần phải tuân thủ nghiêm ngặt. Những điều luật này có thể liên quan tới việc gia hạn lưu trú, hải quan hay việc đi lại giữa hai đất nước. Một trong những luật quan trọng mà các du học sinh phải chú ý đó là vấn đề visa.
Bên cạnh đó, những bạn có ý định đi làm thêm cũng cần biết về luật lao động như du học sinh chỉ được phép làm thêm tối đa 28 giờ/ tuần và phải có giấy phép làm thêm. Điều này đồng nghĩa với việc người có visa du học sinh chỉ được làm tối đa 4 giờ/ ngày.
Đảm bảo nơi ở của mình
Có những chương trình học bao gồm ký túc xá cho du học sinh hoặc hỗ trợ sinh viên tìm nhà ở trong điều kiện của họ. Việc tìm nhà có thể có chút khó khăn bởi các vấn đề liên quan đến tài chính, tiện nghi hay khi làm hợp đồng thuê nhà tại Nhật Bản đối với du học sinh. Chính vì vậy hãy chắc rằng bạn chuẩn bị mọi thứ liên quan đến chỗ ở một cách chu đáo trước khi chuyển đến Nhật Bản.
Biết cần mang theo những gì
Bên cạnh quần áo, các du học sinh tương lai cần cân nhắc danh sách những điều cần mang theo khi sang Nhật để có thể chuẩn bị thật tốt cho một khởi đầu mới. Sau đây là một số điều mà sinh viên cần lưu ý khi đóng gói hành trang của mình:
- Đầy đủ hộ chiếu, visa và giấy chứng nhận tư cách lưu trú.
- Phích cắm thích hợp cho thiết bị điện tử của bạn với ổ cắm tại Nhật.
- Thuốc cần thiết được kê đơn bởi bác sĩ, thuốc cho bệnh tiền sử có thể phải dùng trong trường hợp khẩn cấp.
- Thẻ ghi nợ quốc tế/ thẻ tín dụng và một ít tiền mặt.
- Địa chỉ và thông tin liên lạc của đại sứ quán gần nhất cho đất nước mình ở Nhật Bản.
- Thiết bị di động (máy tính xách tay, máy tính bảng, tai nghe…) hỗ trợ cho việc học của bạn.
Học cách ứng xử, văn hóa của người Nhật
Không phải chỉ ở Nhật, mà bất cứ khi nào bạn có ý định sinh sống, ghé thăm một quốc gia khác, bạn cũng nên tìm hiểu về văn hóa nước đó. Nhật Bản là đất nước coi trọng cách ứng xử. Có một số hành vi tuy bạn cảm thấy bình thường nhưng nó lại vô tình xúc phạm đến người khác. Sau đây là một số quy tắc cơ bản mà du học sinh cần lưu ý khi sinh sống tại đất nước mặt trời mọc:
- Tìm hiểu về văn hóa chào hỏi. Đây cũng là một trong những nghi thức quan trọng đối với người Nhật. Trong khi các nước phương Tây chọn cách bắt tay để chào hỏi thì người Nhật sẽ cúi đầu. Đặc biệt với người có địa vị cao hơn hoặc người lớn tuổi, người Nhật sẽ cúi đầu thấp và giữ lâu hơn.
- Đừng đến muộn vì bất cứ lý do gì. Có thể giờ “dây thun” khá là phổ biến ở Việt Nam và trong một số trường hợp, ta coi đó là điều bình thường. Tuy nhiên, đối với người Nhật, họ cho đó là một hành vi cực kỳ thô lỗ.
- Cư xử đúng mực trên bàn ăn. Điều này có thể liên quan đến việc không cắm đũa vào chén cơm, không dùng đũa của mình gắp thức ăn cho người khác, tiếng xì xụp của khách khi ăn đối với người Nhật chứng tỏ đồ ăn rất ngon…
- Luôn phải xếp hàng ngay ngắn nơi công cộng, nhường ghế cho trẻ em, phụ nữ mang thai, người khuyết tật…
Hy vọng bài viết trên đây mang lại những thông tin bổ ích cho những bạn du học sinh Nhật Bản chuẩn bị chinh phục con đường học tập tại đất nước xinh đẹp này.